Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài được coi là bước tiến quan trọng của lĩnh vực trọng tài thương mại trên toàn cầu.
Lịch sử ra đời của Công ước New York 1958 (1923 – 1958)
Công ước New York ra đời xuất phát những bất cập của Nghị định thư Geneva về Điều khoản Trọng tài năm 1923 (“Nghị định thư Geneva 1923”) và Công ước Geneva về Thi hành PQTT Nước ngoài năm 1927 (“Công ước Geneva 1927”).
Năm 1953, ICC đã đề xuất xây dựng một hiệp định mới điều chỉnh về trọng tài quốc tế. Dự thảo văn bản được đệ trình bởi ICC với mục đích giải quyết các trở ngại đối với việc công nhận và thi hành các PQTT quốc tế.
Sáng kiến của ICC đã được Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (“ECOSOC”) tiếp quản, đưa ra một dự thảo công ước sửa đổi vào năm 1955. Dự thảo đó đã được thảo luận trong một hội nghị tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1958, và sau đó Công ước New York ra đời.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước New York
Công ước New York là một trong các trụ cột của trọng tài quốc tế. Công ước New York thay cho Công ước Geneva 1927 và là một bước tiến quan trọng vì đã đưa trọng tài trở thành phương pháp giải quyết tranh chấp vượt ra khỏi biên giới quốc gia thông qua việc đưa ra một phương pháp đơn giản và hiệu quả hơn để công nhận và cho thi hành các PQTT nước ngoài.
Công ước cũng thay thế cho Nghị định thư Geneva 1923 và một lần nữa nó đã tạo nên một bước tiến quan trọng đó là mở rộng giá trị hiệu lực của thoả thuận trọng tài so với quy định trong Nghị định thư. Kết quả là, Công ước New York đã được tán dương trong một thời gian dài như là “một công ước hiệu quả nhất trong hệ thống các văn bản luật pháp trong toàn bộ lịch sử của pháp luật thương mại”.
Áp dụng Công ước New York tại Việt Nam
Yêu cầu cơ bản của Công ước New York được quy định tại Điều 3:
“Mỗi Quốc gia thành viên sẽ công nhận các PQTT có giá trị ràng buộc và thi hành chúng theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi quyết định sẽ được thi hành, theo các điều kiện được nêu trong các điều khoản dưới đây. Không được đặt các điều kiện về căn bản nặng hơn hoặc các phí hay chi phí cao hơn cho việc công nhận và thi hành các PQTT mà Công ước này áp dụng tới so với việc công nhận và thi hành các PQTT trong nước.”
Việt Nam đã gia nhập Công ước New York từ năm 1995 và ngày 14/9/1995 UBTV Quốc hội đã ban hanh Pháp lệnh thủ tục công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Việc áp dụng Công ước New York tại Việt Nam là trực tiếp, nhưng thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài tại Việt Nam được cho là gặp rất nhiều khó khăn do cả các quy định pháp luật chặt chẽ cũng như cách thức diễn giải các quy định này của Tòa án.
Trên đây là những khái quát nổi bật về Công ước New York 1958 do Viện trọng tài quốc tế Việt Nam VIArb tổng hợp. Để biết thêm các thông tin bổ ích khác về lĩnh vực trọng tài, quý khán giả vui lòng truy cập tại đây.
Đọc thêm: LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM