Khi các bên xảy ra tranh chấp thương mại, pháp luật cho phép các bên có quyền tự do lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Toà án và Trọng tài thương mại
Toà án là cơ quan xét xử, thuộc ngành tư pháp nước ta. Toà án đóng vai trò giải quyết các vấn đề xung quanh trong cuộc sống bao gồm nhiều lĩnh vực từ hình sự, dân sự, hành chính hay thương mại đều thuộc thẩm quyền của Toà án. Toà án là cơ quan có quyền phán xét, định tội, quyết định các vấn đề pháp lý.
Trọng tài thuộc phạm vi nhỏ hơn so với toà án, trọng tài vừa là phương thức vừa là cơ quan giải quyết tranh chấp trong kinh doanh. Trọng tài thương mại với vai trò là trung gian, hoạt động hoàn toàn độc lập và đưa ra phán quyết mang tính bắt buộc nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên. Bên cạnh đó, trọng tài cũng là một cơ quan tài phán độc lập, tồn tại song song cùng với Toà án.
Thẩm quyền của Trọng tài và Tòa án trong giải quyết tranh chấp thương mại và các điểm khác nhau
Như khái niệm đã được đưa ra ở trên, cả hai hình thức Trọng tài và Toà án đều nhằm mục đích giải quyết tranh chấp thương mại, đóng vai trò trung lập. Tuy nhiên, có thể phân biệt hai cơ quan này qua các điểm sau:
Thứ nhất, về mặt pháp lý, Toà án là cơ quan nhà nước, nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp. Trong quá trình tố tụng, Tòa án lấy tư cách nhà nước để xem xét, xử lý vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo trật tự công cộng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giải quyết tranh chấp thương mại. Bên cạnh đó, các Trung tâm trọng tài lại tồn tại dưới tư cách là một tổ chức phi chính phủ, mang tính xã hội – nghề nghiệp.
Thứ hai, sự khác nhau về thẩm quyền
So với Trọng tài, Tòa án có thẩm quyền rộng hơn. Toà án có thẩm quyền để giải quyết hầu như tất cả các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Trong khi đó, thẩm quyền của trọng tài lại có thể thay đổi hoặc bị thu hẹp lại tuỳ vào từng trung tâm trọng tài khác nhau.
Sự khác nhau về thẩm quyền theo lãnh thổ, tòa án chỉ có thể giải quyết những vụ tranh chấp khi đơn kiện được chuyển đến đúng cơ quan Toà án có thẩm quyền. Trái lại, trong tố tụng trọng tài, về mặt lãnh thổ không đặt ra vấn đề thẩm quyền. Các bên tranh chấp có thể tự do lựa chọn theo ý của mình.
Thứ ba, các bước tiến hành trong giai đoạn tố tụng. Trong tố tụng trọng tài quy định, trọng tài chỉ xét xử một lần rồi đưa ra phán quyết cho tranh chấp thương mại. Phán quyết được coi là quyết định chung thẩm, có hiệu lực thi hành và không kháng cáo hay kháng nghị. Trong khi đó, tố tụng Tòa án lại trải qua nhiều bước, cấp xét xử khác nhau từ sơ thẩm đến phúc thẩm, ngoài ra còn có trường hợp Tòa án có thể xem xét lại theo thủ tục của giám đốc thẩm và tái thẩm. Đây có thể là nguyên tắc cũng như dấu hiệu đặc trưng nhất để nhận biết.
Cuối cùng, nguyên tắc xét xử tập thể, nguyên tắc này chỉ có trong tố tụng Tòa án còn tố tụng trọng tài thì không. Việc lựa chọn một hay nhiều trọng tài viên để tham gia giải quyết tranh chấp tuỳ thuộc vào ý chí của các bên tham gia tranh chấp, pháp luật không quy định cũng không can thiệp. Tuy nhiên, pháp luật sẽ can thiệp vào nếu các bên không thoả thuận được với nhau.
VIArb hy vọng, quy chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn phân biệt được thẩm quyền cũng hư sự khác nhau cơ bản của Tòa án và Trọng tài từ đó đưa ra những lựa chọn giải quyết tranh chấp sao cho hợp lý.
Để biết thêm cũng như cần hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi và website hoặc qua hotline 028-38232648. VIArb với tinh thần mang lại giá trị xã hội cho cộng đồng ADR Việt Nam, rất vui khi được đồng hành cùng bạn.
Tài liệu tham khảo
-
Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014.
-
Luật Trọng tài thương mại 2010.