[RECAP] TALKSHOW ” 10 vấn đề luật sư không nên làm trong trọng tài”

Sự kiện talkshow

Tiếp nối chuỗi sự kiện Talkshow vào 20 giờ tối thứ 6 hàng tuần của VIArb, tối ngày 29/04/2022, hai khách mời là anh Nguyễn Trung Nam, Giám đốc, VIArb, Luật sư sáng lập, EPLegal VN, Trọng tài viên, VIAC; và anh Đặng Xuân Hợp Giám đốc, Hop Dang’s Chambers; Trọng tài viên VIAC, KCAB,SIAC, HKIAC đã tham gia trao đổi về chủ đề “10 vấn đề luật sư không nên làm trong trọng tài”.

Mở đầu buổi talkshow, anh Nguyễn Trung Nam nêu ra 7 vai trò của Luật sư trong một vụ tranh tụng trọng tài, được tóm tắt sau đây. Cụ thể quan trọng nhất là các vai trò như một “inspector” hay là một người điều tra viên để xác định câu hỏi các bên đặt ra cho Hội đồng trọng tài, đặc biệt là trong các vụ tranh chấp phức tạp về xây dựng, sở hữu trí tuệ; vai trò như một nhà chiến lược, trong lựa chọn trọng tài viên, nhân chứng, tạo “case theory”, từ đó xác định bằng chứng; vai trò như một người trình bày hay “spoke man”, có tiếng nói thay khách hàng. Riêng đối với vai trò người trình bày, trường hợp này đòi hỏi khả năng diễn tả ý tưởng, yêu cầu cũng như lập luận của người luật sư. Ngoài ra có thể kể đến vai trò như một “document controller” hay người kiểm soát tài liệu, thu thập, lưu trữ tài liệu; vai trò như một “coordinator” “negotiator” đi trao đổi, đàm phán với đối phương; vai trò như một “supervisor” quản lý tất cả những người tham gia trọng tài như chuyên gia, nhân chứng, trọng tài viên; và cuối cùng là một người thi hành sau tố tụng trọng tài. 

Tiếp theo đó là phần trình bày của anh Đặng Xuân Hợp về mười điều luật sư không nên làm trong trọng tài. Cụ thể. thứ nhất là soạn thảo điều khoản trọng tài lỗi dẫn đến hệ quả là rủi ro cho khách hàng, lãng phí thời gian công sức. Thứ hai là gửi thông báo vi phạm không đúng. Thứ ba là tư vấn không chính xác cho khách hàng. Thứ tư là vô tình gây áp lực với trọng tài viên dẫn đến hệ quả là gây khó khăn cho trọng tài viên và vấn đề về thủ tục. Thứ năm là không hợp tác, không liên hệ với bên còn lại để bàn luận về thủ tục và nội dung. Nếu không sẽ gây hệ quả là kéo dài tố tụng, lãng phí cho tố tụng. Thứ sáu là gây khó khăn cho bên còn lại và Hội đồng trọng tài, ví dụ như kéo dài tố tụng dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín và việc chịu chi phí sau này. Thứ bảy không xác định đúng và đủ vấn đề pháp lý. Thứ tám là nêu những vấn đề không đáng nêu gây lãng phí thời gian và chịu thêm chi phí sau này và ảnh hưởng đến uy tín của luật sư. Thứ chín là không cung cấp đủ chứng cứ, hồ sơ sẽ gây rủi ro cho khách hàng. Thứ mười là sử dụng nhân chứng không hiệu quả. Kết luận phần trình bày anh Đặng Xuân Hợp đã kết luận rằng mỗi vụ kiện và khách hàng là khác nhau và luật sư cần phải lưu ý vấn đề rủi ro cho khách hàng, uy tín của bản thân và sự phát triển trọng tài nói chung. 

Đến phần hỏi đáp, nhiều câu hỏi đã được gửi đến VIArb từ trước buổi Talkshow cũng như được đưa ra của người tham dự cho hai vị mời. Trong đó, có hai nội dung được quan tâm nhất. Thứ nhất là luật sư có nên trao đổi với luật sư của bên còn lại về vấn đề hòa giải hay không. Theo anh Nguyễn Trung Nam, giai đoạn nộp hồ sơ và giai đoạn sau khi đã nộp hồ sơ là hai thời điểm cũng như cơ hội thích hợp nhất để các bên hòa giải trước khi tiến hành trọng tài, hoặc có thể là bất kỳ giai đoạn này nếu thấy phù hợp thì luật sư với sự chấp thuận của bên đó có thể đề nghị thương lượng hòa giải và mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Và nội dung thứ hai là theo hai vị khách mời thì luật sư cần lưu ý gì khi tham gia phiên xét xử trọng tài. Đối với anh Nguyễn Trung Nam, luật sư cần lưu ý cách cư xử lịch thiệp, tôn trọng và biết lắng nghe các bên cũng như Hội đồng trọng tài. Còn anh Đặng Xuân Hợp đã đưa ra một ví dụ về một vụ trọng tài anh đã tham gia để nhận mạnh rằng các luật sư dù ở hai bên đối lập vẫn hoàn toàn có thể hỗ trợ nhau và thể hiện sự chuyên nghiệp của luật sư, và những hành động như vậy có thể tạo thiện cảm cho Hội đồng trọng tài.

Trong thời lượng hơn hai tiếng của buổi Talkshow, hai vị khách mời đã không chỉ cung cấp, chia sẻ thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân dưới góc độ là luật sư và trọng tài viên tham gia trọng tài mà còn nhiệt tình giải đáp, đưa ra các bình luận thực tiễn và đa chiều đối với các câu hỏi được gửi đến cho chương trình. Với những khách mời là các trọng tài viên Việt Nam cũng như quốc tế nhiều năm kinh nghiệm cùng các chủ đề mang tính thực tiễn cao, chuỗi Talkshow hàng tuần của VIArb hứa hẹn sẽ đem đến những kiến thức và giá trị tốt nhất về lĩnh vực trọng tài tới người tham dự.

Bạn đọc xem livestream của buổi Talkshow TẠI ĐÂY :

VIArb_Livestream Talkshow “10 vấn đề luật sư không nên làm trong trọng tài”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *