Góc nhìn của Viện trọng tài VIArb đối với Nghị định 21/2021/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm

Trước đây, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch bảo đảm để hướng dẫn thi hành các quy định về nghĩa vụ bảo đảm trong Bộ Luật dân sự 2005 (Nghị định cũ). Tuy nhiên, khi Bộ Luật dân sự 2015 (BLDS 2015) có hiệu lực từ 01/01/2017, thay thế cho Bộ Luật dân sự 2005, đã có một số quy định về tài sản và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mới được thay đổi, bổ sung.  

Trên thực tế, Chính phủ chưa ban hành Nghị định để hướng dẫn chi tiết những quy định này và dẫn đến tình trạng việc thực thi quy định mới trong BLDS 2015 còn bất cập, chưa thống nhất. Do đó, Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành BLDS 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã ra đời và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15-5-2021. Đây là văn bản dù đã được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn các quy định của BLDS 2015 về giao dịch bảo đảm nhưng vẫn còn mang khá nhiều “hạt sạn” và những hạn chế không đáng có. Hãy cùng VIArb phân tích rõ hơn về các vấn đề trong Nghị định mới này tại bài viết dưới đây nhé!

Những điểm mới trong nghị định 21 so với các quy định cũ 

So sánh với các quy định cũ, Nghị định 21 đã mang đến một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về mặt khái niệm, Nghị định 21 đã làm rõ các định nghĩa như “Tài sản gắn liền với đất”, “Hợp đồng bảo đảm”, “Giấy chứng nhận”,…Đây được xem là những khái niệm do không được giải thích cụ thể trong Nghị định cũ mà đã dẫn đến sự sai lầm, lúng túng trong việc áp dụng.

Thứ hai, Nghị định 21 đã phân tích rõ các mặt của tài sản được dùng để thực hiện nghĩa vụ, chẳng hạn như: Tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng; dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư, chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư mà pháp luật không cấm chuyển nhượng, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; v.v…Đây được đánh giá là những điểm mới hoàn toàn so với Nghị định cũ cũng như góp phần đáng kể trong việc xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho các chủ thể.

Thứ ba, về mặt quy định việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng. Đây có thể được xem là một vấn đề mới đã được Nghị định 21 đề cập đến. Theo đó, trường hợp vợ chồng thỏa thuận về việc một bên dùng tài sản chung để góp vốn vào một tổ chức kinh tế thì bên đó được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung. Hoặc dù trên thực tế hai vợ chồng không có sự thỏa thuận về việc dùng tài sản chung vào việc góp vốn nhưng có sự việc một bên vợ hoặc chồng dùng tài sản chung để góp vốn và xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung mà người còn lại biết được nhưng không phản đối thì vẫn được coi như là đã có thỏa thuận của hai vợ chồng. Trong trường hợp này, nếu xảy ra sự kiện ly hôn giữa hai vợ chồng thì người đã xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm vẫn được tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp có phán quyết khác của cơ quan tài phán.

Thứ tư, về quyền truy đòi tài sản đảm bảo, trong Nghị định 21 quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật. 

Thứ năm, về chế định Xử lý tài sản bảo đảm, khác với Nghị định cũ, Nghị định 21 đã sử dụng cụm từ “Xử lý tài sản bảo đảm” thay vì “Xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp” để thấy rằng những quy định trong chế định này được áp dụng cho tất cả các biện pháp bảo đảm mà không chỉ quy định cho riêng biện pháp bảo đảm bằng cầm cố và thế chấp như Nghị định trước.

Những vấn đề còn hạn chế trong Nghị định mới

Hệ lụy khi thỏa thuận giữa các bên được công nhận giá trị pháp lý

Đối với Khoản 2 điều 4 Nghị định 21 đã công nhận giá trị pháp lý các thỏa thuận của các bên với các quy định tại Nghị định này, nếu theo quy định trên thì dường như các bên có thể thỏa thuận về việc chuyển quyền sở hữu một tài sản để bảo đảm (pháp luật của một số nước như Anh hay Úc gọi là mortgage) vì thỏa thuận này đáp ứng được các điều kiện nêu tại điều luật trên. Vấn đề là BLDS và văn bản mà Nghị định 21 hướng dẫn không công nhận mortgage vì các biện pháp bảo đảm bằng tài sản mà BLDS quy định không kéo theo việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản để bảo đảm.

Do đó về nguyên tắc, các biện pháp bảo đảm cần được quy định rõ trong các văn bản pháp luật chứ không thể được tạo ra trên cơ sở tự do thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Pháp luật về giao dịch bảo đảm của các nước tiên tiến như Anh hay Pháp cũng đi theo xu hướng này.

Một ví dụ khác liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm. Nghị định 21 không có quy định nào rõ ràng cho phép bên nhận thế chấp thu giữ tài sản thế chấp trong trường hợp bên thế chấp cố tình không giao tài sản thế chấp để xử lý. Tuy nhiên đã có một số ý kiến cho rằng, nếu áp dụng Khoản 2 điều 4 Nghị định 21 nêu ở trên thì ngân hàng vẫn có thể thực hiện việc thu giữ nếu trong hợp đồng thế chấp đã ký có điều khoản (thỏa thuận) cho phép ngân hàng tiến hành thu giữ. Điều đáng nói là việc thu giữ có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và do đó nếu pháp luật cho phép thực hiện cơ chế này thì cần quy định rõ các điều kiện và thủ tục chứ không thể để các bên tự do thỏa thuận được!

Mâu thuẫn trong các văn bản được hướng dẫn

Sự mâu thuẫn không quá khó để nhận ra giữa một số quy định của Nghị định 21 với quy định của BLDS, VIArb xin được liệt kê một số ví dụ thực tế được tổng hợp từ các ý kiến của chuyên gia như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều 22 Nghị định 21, nếu hợp đồng bảo đảm được công chứng hay chứng thực theo quy định của BLDS hoặc luật khác có liên quan hoặc theo yêu cầu của các bên thì có hiệu lực từ thời điểm công chứng hay chứng thực; nếu hợp đồng bảo đảm không được công chứng hay chứng thực thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận hoặc thời điểm giao kết nếu không có thỏa thuận.

Ta có thể thấy, các quy định này rõ ràng là trái với Khoản 1 điều 310 và khoản 1 điều 319 BLDS. Chẳng hạn, trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất, do điểm a khoản 3 điều 167 Luật Đất đai quy định phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng thế chấp này, nên nếu áp dụng Nghị định 21 thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 điều 188 Luật Đất đai, “việc […] thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Nói cách khác, theo quy định của BLDS và Luật Đất đai thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, chứ không phải là từ thời điểm công chứng hay chứng thực.

Thứ hai, nếu áp dụng quy định tại Khoản 2 điều 407 BLDS, sự vô hiệu của hợp đồng vay không làm chấm dứt hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, theo điểm a khoản 2 điều 29 Nghị định 21 thì trong trường hợp này hợp đồng bảo đảm sẽ chấm dứt nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng vay.

Thứ ba, điều 50 Nghị định 21 cho phép ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm chết với điều kiện là nếu xác định được người thừa kế di sản đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản đang là tài sản bảo đảm thì ngân hàng phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này. Có thể thấy, quy định này không đúng với tinh thần của Khoản 2 và Khoản 3 điều 615 BLDS.

Thứ tư, khoản 3 điều 293 BLDS ngầm định rằng trong trường hợp bảo đảm cho các khoản vay hình thành trong tương lai thì hợp đồng bảo đảm phải nêu rõ một thời hạn bảo đảm nhưng trong khi khoản 2 điều 25 Nghị định 21 lại bật đèn xanh cho việc không cần thỏa thuận về thời hạn bảo đảm.

Tồn đọng những khoảng trống

Theo một số ý kiến mà VIArb đã tổng hợp được từ các phân tích của chuyên gia, tại Nghị định 21 cũng chưa có bất cứ quy định nào đề cập cụ thể việc xử lý thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai vốn là biện pháp bảo đảm rất phổ biến mà việc xử lý đang đặt ra cho các ngân hàng rất nhiều khó khăn.

Đối với việc xử lý thế chấp quyền đòi nợ – là loại tài sản có rất nhiều điểm ưu việt và được kỳ vọng sẽ được sử dụng rộng rãi trong thời gian tới, Nghị định 21 là một bước lùi đáng tiếc so với quy định cũ khi không đề cập chi tiết cơ chế xử lý thế chấp này.

Thêm vào đó, Nghị định 21 không có quy định nào về trường hợp một người dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của người khác và đặc biệt là chưa công nhận một cách rõ ràng quyền của bên bảo đảm được yêu cầu bên vay thực hiện hoàn trả cho mình trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm đã bị ngân hàng xử lý.

Trên đây là một số ý kiến và phân tích của các chuyên gia đối với Nghị định 21/2021/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm được VIArb tổng hợp để đem lại cái nhìn khái quát hơn đối với văn bản vẫn đang gây nhiều tranh cãi này. Những thông tin tiếp theo về các sự kiện pháp lý sẽ được chúng tôi cập nhật sớm nhất đến tất cả bạn đọc tại VIArb.

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/td/317171/ban-khoan-quy-dinh-moi-ve-giao-dich-bao-dam.html

http://vietthink.vn/vi/tin-tu-vietthink.nd/nghi-dinh-212021nd-cp-quy-dinh-thi-hanh-bo-luat-dan-su-2015-ve-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu-dan-su.html

Nghị định 21: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Nghi-dinh-21-2021-ND-CP-huong-dan-Bo-luat-Dan-su-ve-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu-468069.aspx

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *