Công việc của hòa giải viên thương mại và những kỹ năng cần có trong giải quyết tranh chấp

hòa giải viên

Các phương thức tố tụng hiện nay vô cùng đa dạng như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án,…tùy theo mức độ vụ việc và nhu cầu của các bên tranh chấp có thể lựa chọn phương thức phù hợp. Và sử dụng hòa giải viên được xem là một trong những phương thức được đánh giá cao trong việc giải quyết các tranh chấp vì tính tự nguyện, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia.

Bài viết cung cấp các thông tin về công việc của hòa giải viên thương mại và những kỹ năng cần có

Hòa giải viên đã trở thành bên thứ ba được sự tín nhiệm, tin tưởng lựa chọn trở thành trung gian nhằm mục đích tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề và đưa ra hướng giải quyết có lợi nhất có thể cho cả hai bên. Chính vì vậy, việc trở thành hòa giải viên thương mại là một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về các kỹ năng cần có ở một hòa giải viên cũng như khái quát hơn về công việc của các hòa giải viên tại Việt Nam.

 

Điều kiện trở thành hòa giải viên thương mại theo luật định

Để trở thành hòa giải viên thương mại tại Việt Nam, theo Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ban hành về hòa giải thương mại như sau:

“1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại:

  1. a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;
  2. b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;
  3. c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
  4. Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này.
  5. Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại mục 1 nêu trên.
  6. Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại”.

 

Ngoài ra, trên thực tế thì đối tượng hòa giải thường sẽ là những vụ việc phức tạp và cần ở hòa giải viên sự am hiểu pháp luật chuyên ngành và pháp luật tố tụng mới có thể giải quyết tường tận. Hầu hết các đội ngũ hòa giải ở các tỉnh thành trên cả nước đều là các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu, các luật sư và chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác pháp luật.

 

Những kỹ năng cần có của công việc hòa giải viên thương mại

1. Kỹ năng lắng nghe, xem xét tình huống

 

Để đạt được đến thống nhất giữa cả hai bên tranh chấp đòi hỏi người hòa giải viên phải có những kỹ năng nhất định. Khi giao tiếp với những người cần hòa giải thì hòa giải viên cần phải đặt sự quan tâm, thái độ gần gũi và sẵn sàng toàn tâm toàn lực để giúp đỡ họ, tránh những trường hợp ngắt lời, thiếu lịch sự. Và hơn hết là một thái độ nhiệt tình hỗ trợ, chân thành và cởi mở để tạo sự tin cậy. Nhằm mục đích thu nhận vào những thông tin bổ ích, chính xác, thành thật, trung thực về nội dung của vụ việc, thì hòa giải viên cần phải chú ý để lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung chính, ý chính, trên cơ sở đó có thể đặt những câu hỏi yêu cầu đối tượng làm rõ thêm các tình tiết của vụ việc.

 

2. Kỹ năng tra cứu văn bản, tài liệu

 

Kỹ năng tra cứu tài liệu cũng là một kỹ năng cần thiết với hòa giải viên. Nếu thấy cần thiết, hòa giải viên có thể cung cấp cho các bên bản sao văn bản, tài liệu đó cùng với lời tư vấn mà mình đưa ra. Trường hợp chưa tìm thấy văn bản cần tìm hoặc nghi ngờ về hiệu lực của văn bản đó (ví dụ: văn bản đã bị hủy bỏ và có một văn bản mới thay thế), thì hòa giải viên có thể hẹn lại đối tượng và trả lời sau. Trường hợp vụ việc hòa giải phức tạp, hòa giải viên chưa hiểu sâu, thì nên gặp nhờ chuyên môn tư vấn cho mình trước khi tư vấn, hòa giải tranh chấp để tránh gây hậu quả, thiệt hại.

 

>> Kỹ năng thương lượng, hòa giải mà VIAC đã đưa ra trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng

 

3. Kỹ năng xác thực, chọn lọc thông tin

 

Khi hòa giải viên thấy chưa đủ cơ sở để tư vấn, đưa ra những giải pháp, cần phải tiến hành xem xét, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức và những người có liên quan để tìm hiểu rõ bản chất vụ việc, tránh vội vàng đưa ra những kết luận phiến diện, chủ quan.

 

Việc xác minh phải thực sự khách quan, vô tư. Thông thường họ chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho bên tranh chấp mà họ có liên quan. Vì vậy, hòa giải viên cần khéo léo để nhận được những thông tin, tài liệu chính xác, trung thực.

 

4. Kỹ năng hòa giải: Bước quan trọng có ý nghĩa quyết định

Hòa giải viên phải thực hiện các nguyên tắc hòa giải, trao đổi với từng bên, đề cao lẽ phải và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp

Phương pháp tiến hành hòa giải thường áp dụng là dùng uy tín của hòa giải viên để giải thích, giáo dục, cảm hóa, động viên các bên tranh chấp tự hòa giải, đi đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp, bất đồng với phương châm kiên trì, bền bỉ.

Nắm rõ đặc điểm tâm lý của các bên (phụ nữ, người trẻ, người lớn tuổi,…) cũng như tính chất vụ việc để áp dụng “nghệ thuật” hòa giải phù hợp là một trong những yếu tố để đạt kết quả trong hòa giải. Tùy từng trường hợp cụ thể, hòa giải viên có thể gặp gỡ từng bên hoặc các bên. Không áp đặt ý chí của hòa giải viên đối với đương sự.

Trường hợp hòa giải viên trực tiếp chứng kiến vụ việc tranh chấp, xích mích thì cần can ngăn, dàn xếp, làm dịu tình hình giữa các bên. Mặt khác, các hòa giải viên phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc hòa giải hoặc có ảnh hưởng đến các bên tranh chấp.

 

 

>> Trọng tài viên VIAC Ngô Khắc Lễ tường thuật vụ tranh chấp về giám định hàng hóa trong hợp đồng bảo hiểm

5. Kỹ năng sau khi hòa giải kết thúc

Khi phiên hòa giải kết thúc, hòa giải viên phải tiến hành lập biên bản hòa giải.

 

– Trường hợp hòa giải thành thì lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của hòa giải viên và chữ ký của các bên hòa giải, hòa giải viên cũng cần quan tâm động viên để cả hai bên giữ vững nguyên tắc đã ký kết.

– Trường hợp hòa giải không thành và việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên vẫn phải lập biên bản ghi rõ lý do hòa giải không thành và yêu cầu 2 bên hòa giải ký vào sau đó hướng dẫn cho các bên thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp

– Trường hợp hòa giải thành mà không thực hiện thì lập biên bản (có một hoặc các bên ký tên) để làm cơ sở cho cấp trên giải giải tranh chấp theo thẩm quyền, bởi vì kết quả hòa giải không có chế tài thực hiện.

 

Công việc hòa giải viên là một công việc khó và đầy thách thức đòi hỏi ở người làm công tác hòa giải thương mại phải có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và đạo đức để có thể giải quyết những tranh chấp một cách thỏa đáng nhất. Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin cần thiết cho các độc giả quan tâm đến lĩnh vực này.

 

 

https://www.viac.vn/goc-nhin-trong-tai-vien/luat-su-trong-tai-vien-chau-huy-quang-duoc-vinh-danh-trong-top-50-sieu-luat-su-chau-a-a1092.html

2 thoughts on “Công việc của hòa giải viên thương mại và những kỹ năng cần có trong giải quyết tranh chấp

  1. Pingback: Hòa giải thương mại sử dụng hòa giải viên và các vấn đề liên quan - Viện Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam

  2. Pingback: Những khác biệt của hòa giải và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại - Viện Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *