CÔNG ƯỚC SINGAPORE NĂM 2019 –  BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

cong-uoc-singapore

Sự ra đời của Công ước Singapore đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho phương thức hòa giải thương mại quốc tế, giúp phương thức này được quan tâm và ưu tiên áp dụng hơn trong các cuộc tranh chấp thương mại.

Tình hình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải

Hiện nay, bên cạnh phương thức trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ADR khác thì hòa giải cũng đã và đang được cân nhắc áp dụng hơn trong các tranh chấp thương mại.

Tuy nhiên, năm 2018 Bộ Tư pháp đã thực hiện một cuộc khảo sát thực tế về tính phổ biến của bốn phương thức giải quyết tranh chấp  lần lượt là trọng tài (16,9%), hòa giải (22,8%), Tòa án (46,8%), thương lượng (57,8%). Phương thức hòa giải nổi bất với những ưu điểm như tiết kiệm chi phí, thời gian, bảo mật và còn giúp mối quan hệ hợp tác của các bên được giữ gìn lâu dài. Tuy nhiên, qua thống kê trên có thế thấy hòa giải vẫn chưa phải là giải pháp ưu tiên của các doanh nghiệp thương mại khi xảy ra tranh chấp.

Điều này phần lớn là do hòa giải chưa có một cơ chế rõ ràng để đảm bảo tính pháp lý thi hành của kết quả hòa giải. Đối với phương thức giải quyết bằng Tòa án, thì mỗi quốc gia đều đã xây dựng một cơ chế riêng để đảm bảo thi hành. Còn phương thức trọng tài đã có Công ước New York năm 1958 quy định đảm bảo công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Do đó, việc xây dựng một quy chế pháp lý rõ ràng cho phương thức hòa giải là hết sức cần thiết. Năm 2019, Công ước Liên hợp quốc về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải – Công ước Singapore về Hòa giải đã được thông qua nhằm khắc phục nhược điểm đó. 

cong-uoc-singapore

Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế

Công ước Singapore được xây dựng nhằm có được sự ủng hộ tối đa của quốc tế về những khía cạnh pháp lý quan trọng nhất của phương thức hòa giải. Với 16 điều khoản khá ngắn gọn nhưng có phạm vi áp dụng rộng, công ước tập trung vào những vấn đề về nguyên tắc tiến hành, phạm vi giải quyết, điều kiện áp dụng và nghĩa vụ thi hành Công ước của các thành viên tham gia công ước cụ thể như sau:

– Thỏa thuận giải quyết phải được xác nhận dưới hình thức bằng văn bản;

– Kết quả giải quyết tranh chấp đạt được giữa các bên phải có từ phương thức hòa giải;

– Tranh chấp giữa các bên phải có tính chất thương mại hoặc tính chất quốc tế.

Về hình thức thi hành, Công ước cho phép các nước thành viên được quyền tự quyết về thủ tục miễn là việc thi hành phải phù hợp với quy tắc và điều kiện mà Công ước đã đề ra. Bên cạnh đó Công ước cũng đảm bảo cho việc công nhận thi hành biện pháp và kết quả hòa giải ở mỗi quốc gia thành viên.

cong-uoc-singapore

Ngoài ra, công ước không áp dụng đối với 4 trường hợp:

– Tranh chấp không đảm bảo tính thương mại như tranh chấp vì lý do cá nhân ;

– Thỏa thuận hòa giải giải quyết tranh chấp đã được tòa án của nước thành viên công nhận;

– Thỏa thuận hòa giải đang được thi hành tại quốc gia sở tại;

– Thỏa thuận có thể được thực thi như phán quyết trọng tài.

Sự ra đời của Công ước Singapore về hòa giải là cơ sở cho việc cưỡng chế công nhận và thực thi phương thức hòa giải đúng pháp luật, đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất trong áp dụng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Công ước đã giúp các cá nhân, doanh nghiệp thương mại có được sự tự tin khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, thay vì tâm lý lo lắng khi hòa giải thành mà các bên không chịu bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Từ đó, nâng cao vị trí của phương thức hòa giải trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế.

One thought on “CÔNG ƯỚC SINGAPORE NĂM 2019 –  BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

  1. Bình says:

    Hoà giải và thương lương trong tranh chấp thương mại là một cơ chế cần ưu tiên áp dụng . Thiệt hại trong thương mại sẽ đc hạn chế tối đa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *